Vâng, tôi ưa nhìn vú đàn bà. Đó là một sự thật không thể chối cãi và chẳng cần chi phải dấu diếm.
Đương nhiên, không phải nhìn chằm chặp một cách khiếm nhã mà chỉ nhẹ nhàng đưa nhãn tuyến quét ngang bằng một tốc độ cực nhanh. Nói một cách chính xác, thời lượng mỗi lần không quá 0,5 giây. Bởi thế, hầu hết (nếu không phải là toàn bộ) đối tượng chẳng bao giờ hay biết họ đã được tôi chiêm ngưỡng núi đồi bằng ánh mắt la-de. Nếu thích, lắm lúc tôi còn dùng não bộ chụp luôn một vài tấm hình lưu niệm.
Nếu có ai chê bai là đồ dê xồm thì tôi sẵn sàng thú nhận tội lỗi, mặc dù nhiều khi đó chỉ là hành vi do tiềm thức thôi thúc.
Còn bạn thì sao? Bạn có ưa nhìn vú đàn bà không? Nếu bạn phủ nhận thì tôi đoan chắc—với độ chính xác hơn 99%—rằng bạn là một kẻ hèn nhát và thiếu thành thật. Dám làm mà không dám chịu chẳng phải là bản sắc của đấng mày râu. Đàn ông Việt Nam ("thẳng hàng" và ở miền xuôi) ai mà chả thế? Nhưng trước khi quý bà, quý cô, và quý ngài đồng tính lao nhao lên tiếng phản đối, xin thanh minh rằng trong bài viết này khái niệm "bạn" cũng như "đàn ông" chỉ dành riêng cho bọn đực rựa dị tính như tôi mà thôi.
Đàn Ông Là Động Vật... Dại Vú
Cụ cố đời thứ 69 của bạn—và cả của tôi nữa, tất nhiên rồi—chắc chắn cũng ưa nhìn vú. Từ cổ chí kim, đừng nói chi bọn phàm phu tục tử, nhiều người trong giới anh hùng (và gian hùng) cũng khó vượt qua cửa ải "mỹ nhũ quan." Nếu không được xử lý thích đáng, tật mê vú có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như khuynh quốc khuynh thành, thân bại danh liệt, hoặc làm trò cười cho vạn đời sau. Thời Xuân Thu, Phù Sai để mất nước Ngô chỉ vì đam mê cặp gò chim sa cá lặn của Tây Thi. 2.500 năm sau, Bill Clinton sém bị cách chức tổng thống vì cứ ưa đùa giỡn trên ngọn núi đôi của Monica Lewinsky. Gần đây, cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bị tuyên án 7 năm tù vì kiềm chế chẳng nổi khoái cảm mơn trớn bồng đảo của gái điếm vị thành niên (và lạm dụng quyền lực để che lấp vụ việc). Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đương nhiên cũng không thoát khỏi kiếp nạn. Từ Hồ Chí Minh cho đến đám đàn em như Lê Duẩn, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, và Nông Đức Mạnh tất cả đều bị cái vú nó quậy.
Trong một cuộc nghiên cứu về khả năng "trì hoãn thỏa mãn," một số đàn ông được phép chọn lựa lấy tiền thưởng ngay hoặc phải đợi thêm vài ngày để lấy một số tiền thưởng lớn hơn gấp đôi. Họ được chia thành hai nhóm: một nhóm xem video về phong cảnh của một vùng thảo nguyên thơ mộng và một nhóm xem video quay chậm một số thiếu nữ hấp dẫn và có bộ ngực hở hang chạy nhảy trên bờ biển theo kiểu phim tập "Baywatch." Kết quả của cuộc thí nghiệm cho thấy đại bộ phận đàn ông đều rơi vào cạm bẫy "mỹ nhũ kế" một cách dễ dàng. So với nhóm xem phong cảnh thảo nguyên, tỉ lệ chọn lấy tiền thưởng ngay lập tức của nhóm xem gò bồng đảo trên bãi biển cao hơn ở mức áp đảo.
Nguyên do chỉ vì "dại vú" là bản chất cố hữu của đàn ông (không những ở Mỹ mà suy rộng ra còn ở nhiều nơi khác trên thế giới—đừng quên rằng Mỹ vốn là một hợp chủng quốc). Khi đối diện với vú đàn bà (hoặc thậm chí những vật dụng kích thích có liên quan đến vú, như xu-chiêng), các trung tâm "hưởng lạc" và "tiếp nhận phần thưởng" trong não bộ đàn ông lập tức "la lối om sòm" để trấn áp không cho các trung tâm "suy luận" và "phán đoán" bằng lý tính của họ lên tiếng. Cụ thể hơn, tình trạng "mê mẩn tâm thần" này xảy ra vì hình ảnh bầu vú đong đưa trong video đã khiến não bộ của nhóm đàn ông này tiết ra một số hoá chất nhằm kích hoạt các mạch thần kinh có nhiệm vụ xúi dục hành vi hưởng thụ và thỏa mãn. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy họ chọn lựa lấy ngay phần thưởng ít tiền—một chọn lựa khờ khạo, không phù hợp với nguyên tắc kinh tế—trong khi nhóm đàn ông không bị nhũ hoa ảnh hưởng lại có hành vi tương phản nhưng hợp lý hơn. Trẻ thơ và (hầu hết) đàn ông đều ưa bú nhưng trước tuổi dậy thì chúng không dại... v(l)ú như bậc trưởng thượng cha chú.
Đương nhiên quý bà và quý cô cũng rất thích thú khi được đàn ông quan tâm đến vùng núi đồi màu mỡ của mình—nhưng không phải chỉ ưa được ngắm nghía mà còn muốn đấng lang quân thi hành nhiều nhiệm vụ "đậm đà tính đàn ông" hơn nữa. Gần đây có nhiều nghiên cứu khoa học xác định (điều mà đàn ông đã biết rõ từ thuở xa xưa bằng kinh nghiệm) rằng kích thích nhũ bộ có tác dụng nâng cao mức độ hưng phấn tính dục cho đại đa số phụ nữ.
Khảo cứu chung của Roy Levin (Đại Học Sheffield) và Cindy Meston (Đại Học Texas) là một ví dụ tiêu biểu. Trong bài báo cáo mang tựa đề "Nipple/Breast Stimulation and Sexual Arousal in Young Men and Women" đăng trên Tạp Chí Y Học Tính Dục, hai vị giáo sư này cho hay 82% phụ nữ tham gia cuộc thăm dò do họ thực hiện thừa nhận mức độ hưng phấn tính dục gia tăng khi được kích thích núm vú hoặc bầu vú. Đồng thời, gần 60% chủ động yêu cầu đối tác xoa bóp núm vú cho họ trong khi làm tình. Điều này chứng tỏ rằng kích thích bầu vú cũng có tác dụng khởi động những trung tâm não bộ chi phối tính hứng thú, chẳng khác chi cơ chế kích thích âm đạo và âm vật (vốn đã có nhiều bằng cớ khoa học và... trải nghiệm). Để biết thêm chi tiết, xem Journal of Sexual Medicine 3 (May 2006): 450–4.
Lý Thuyết Truyền Thống
Xét cho cùng, vú đàn bà chỉ là hai túi mỡ tòng teng, nhưng tại sao từ cổ chí kim đàn ông lại cứ ưa ngắm nghía, sờ mó, và bú liếm—thậm chí đến mức độ lú lấp lý trí? Loài người trăn trở với vấn đề này chí ít cũng đã mấy ngàn năm nay rồi, bởi thế, từ Đông sang Tây, nỗi ám ảnh này—cũng giống như chính nỗi ám ảnh mà đôi vú đàn bà áp đặt vào tâm tư đàn ông—là một đề tài quyến rũ thu hút nhiều nỗ lực giải mã.
Ở Việt Nam và Trung Quốc, cũng như các nước khác trong vùng Đông Á, lời giải thích thông dụng nhất thường được triển hiện qua câu danh ngôn: "Thực sắc tính dã." Hoặc vì tính súc tích và thuận miệng hoặc vì chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ giá trị Khổng-Mạnh (hoặc vì cả hai), lý thuyết này tuy đã có hơn 2.250 năm lịch sử nhưng ngày càng đắt khách. Cho đến hiện thời, không riêng gì người Việt, nhiều người Tàu và thậm chí không ít sách báo Hoa ngữ vẫn cứ cho rằng đó là ngôn từ của Mạnh Tử hoặc Khổng Tử. Trên thực tế, Cáo Tử—một nhân vật không mấy tiếng tăm trong giới Bách Gia Chư Tử sống cùng thời với Mạnh Tử—mới là tác giả chân chính. Thực sắc tính dã là một bộ phận của khái niệm tính vô thiện vô bất thiện mà Cáo Tử dùng để phản bác lý luận tính thiện của Mạnh Tử. Bởi thế sản quyền tri thức của thực sắc tính dã cần phải được hoàn trả cho Cáo Tử. Về mặt triết học, nhân tính luận của Cáo Tử là một đóng góp rất có giá trị, nếu xét đến cuộc tranh luận về bản chất của con người kéo dài hằng bao thiên niên kỷ nhưng đến bây giờ vẫn còn chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, về mặt khoa học, nếu dùng thực sắc tính dã để làm cơ sở giải thích tật mê vú của đàn ông thì đó chẳng qua chỉ là một trò lừa bịp rất ấu trĩ. Đến trẻ thơ ở lứa tuổi dậy thì (của bất cứ thời đại nào) cũng hiểu rõ "ăn uống" và "giao phối" không phải là chuyện riêng của con người (nói chung, cả đàn ông lẫn đàn bà) mà còn là nhu cầu cần thiết của hầu hết mọi động vật khác. Bởi thế nghe ra thì có vẻ uyên bác lắm nhưng đây thực chất chỉ là một loại lý thuyết rỗng—có nói cũng như không.
Ở phương Tây, các nhà sinh vật học thuộc trường phái tiến hóa thì cho rằng đàn ông giao phối vì mục đích chính là để lưu truyền bộ gien của mình lại cho đời sau. Bởi thế họ phải quan sát để săn lùng và chọn lựa những bộ vú căng thẳng và đẫy đà (chứa đựng khối lượng mỡ cần thiết) vì đó là dấu hiệu biểu thị trạng thái sức khỏe tốt của người đàn bà có triển vọng tối ưu về khả năng thai nghén và nuôi con. Nhưng lý thuyết này vẫn không thể giải đáp vấn đề một cách thỏa đáng vì chính bản thân nó cũng có nhiều mâu thuẫn nội tồn.
Trên thực tế, kén chọn đối tác tính dục nói chung không phải là bản chất của đàn ông; ngược lại, nếu vớ được là họ không bao giờ chịu bỏ qua mà phải tận hưởng để khỏi lãng phí của trời. Có hai nguyên do chính: (1) đàn ông không sợ bị mang thai và (2) nguồn tinh trùng của họ hầu như là vô hạn nên rẻ như bèo và có thể vung vãi tùy thích. Khác với số lượng trứng cố định bẩm sinh của phụ nữ, đàn ông có khả năng liên tục tái tạo tinh trùng. Từ tuổi dậy thì cho đến lúc chết, bình quân mỗi ngày một người đàn ông có thể sản xuất từ 43.200.000 đến 86.400.000 tinh trùng (tức từ 500 đến 1.000 tinh trùng mỗi giây). Hơn nữa, nếu mục đích chủ yếu của việc giao phối là để nối dõi tông đường—như lý luận tiến hóa gợi ý—thì đàn ông cần phải giao phối với càng nhiều đàn bà càng tốt vì đó là phương thức giúp họ hoàn thành nhiệm vụ một cách hữu hiệu hơn việc chỉ chọn lựa đối tượng có vú đầy, vú đẹp.
Lý Thuyết Oxytocin-Dopamine
Gần đây hơn, Larry Young—một giáo sư khoa học thần kinh thuộc Đại Học Emory—và ký giả Brian Alexander lại đề xuất một lý thuyết mới trong tác phẩm The Chemistry Between Us: Love, Sex, and the Science of Attraction được xuất bản vào năm 2012. Tuy là một tài liệu nghiên cứu khoa học chứa đựng nhiều dữ liệu kỹ thuật phức tạp và khô khan, nhưng cuốn The Chemistry Between Us lại rất dễ đọc và có sức thu hút nhờ văn phong bình dị, sống động, và thỉnh thoảng có pha chút hương vị khôi hài của hai đồng tác giả.
Theo Larry Young và Brian Alexander, tật mê vú của đàn ông là kết quả của hành trình tiến hóa được hình thành để thích ứng với những cơ chế hóa học xảy ra trong não bộ của đàn bà, và điều này lại liên quan trực tiếp đến quá trình xúc tiến sự gắn bó của tình mẫu tử. Để bú sữa mẹ, trẻ sơ sinh phải tiến hành thao thác đầu vú của người mẹ một cách rất tinh tế. Khi được kích thích như thế, đầu vú của người mẹ sẽ phát ra tín hiệu để mệnh lệnh não bộ phóng thích hai hóa chất thần kinh quan trọng là oxytocin và dopamine. Khi được phóng thích, oxytocin sẽ có tác dụng thúc đẩy cơ bắp trong bầu vú phún sữa ra để cho con bú.
Nhưng oxytocin còn có những tác dụng khác cũng không kém phần quan trọng. Khi được tiết ra dưới sự thối thúc của đứa bé, oxytocin sẽ khiến người mẹ phải tập trung sự chú ý của mình vào đứa con thơ và xem nó là ưu tiên số một. Phối hợp với dopamine, oxytoxin còn đóng một vai trò quan trọng trong việc khắc ghi hình ảnh, âm thanh, và mùi vị của đứa bé sơ sinh vào mạch thần kinh chi phối việc tưởng thưởng của người mẹ khiến quá trình nuôi nấng trở thành một trải nghiệm bổ ích và đầy thỏa mãn. Đó chính là động lực giúp người phụ nữ tiếp tục trọng trách làm mẹ và kiến tạo mối gắn bó tình mẫu tử với con mình— một gắn bó đẹp đẽ và bền bỉ nhất trong tất cả mọi gắn bó xã hội của loài người.
Tương tự, loạt cơ chế hóa học thần kinh và tâm lý này cũng sẽ xảy ra khi người đàn bà được đối tác tính dục xoa bóp, bú liếm, hay gặm nhấm bầu vú. Nhưng trong hoàn cảnh này, oxytocin và dopamine sẽ tập trung sự chú ý của người đàn bà vào đối tác tính dục và tăng cường ước vọng kiến tạo mối kết nối tình yêu với người này. Từ khi khám phá ra bí mật này (chí ít là cả hàng trăm ngàn năm trước), đàn ông bắt đầu dùng kỹ thuật kích thích bầu vú để lấy lòng đàn bà—để được họ chú ý, yêu mến, và săn sóc. Y hệt như lũ trẻ sơ sinh!
Qua quá trình tiến hóa, hành vi này được chọn lọc và bảo tồn trong tổ chức não bộ của đàn ông. Như thế, theo Larry Young và Brian Alexander, mê vú là một động lực tiến hóa hiện hữu trong tiềm thức của đàn ông như một công cụ cần thiết để kích hoạt mạch thần kinh gắn bó của đàn bà nhằm hướng đến việc kiến tạo một mối quan hệ bền bỉ trong yêu thương và chăm chút lẫn nhau.
Khác Biệt Văn Hóa
Lý thuyết hóa chất thần kinh này sẽ càng có sức thuyết phục hơn nếu Larry Young và Brian Alexander có thể giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề khác biệt văn hóa. Đây là một thử thách chung đối với bất cứ khoa học gia nào muốn đề xuất những lý thuyết có tính phổ quát để giải thích hành vi hay cảm xúc của con người. Trong trường hợp này, chướng ngại mà họ chưa thể vượt qua là không phải đàn ông ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng đều mê vú như kiểu cách họ trình bày. Cho đến hiện thời, nhiều xã hội tại châu Phi vẫn còn duy trì phong tục phụ nữ để ngực trần và đàn ông ở những nơi này không cảm thấy bị vú đàn bà thu hút theo chiều hướng kích thích tính dục—vì đó là một truyền thống văn hóa có tính trang trọng. Họ nhìn bầu vú đàn bà với ánh mắt trong sáng và một tấm lòng bình đẳng thản nhiên.
Tương tự, nhiều dân tộc thiểu số miền núi trên khắp lãnh thổ Việt Nam (đặc biệt là tại hai vùng Tây Nguyên và Tây Bắc) cũng có một lịch sử lâu dài về phong tục này. Do ảnh hưởng của nền văn hóa "hiện đại" của miền xuôi, bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 phong tục này không còn thịnh hành như trước. Tuy nhiên hiện thời nó vẫn còn được bảo tồn trong một phạm vi tương đối hạn hẹp. Đối với họ, vú đàn bà là biểu tượng của quyền uy thiêng liêng, sứ mạng phồn thực cao quý, vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên, và hạnh phúc viên mãn của con người.
Chẳng hạn, trước cửa nhà sàn của người dân Ê-đê trên vùng Tây Nguyên thường có một cặp cầu thang đực-cái. Đặc điểm đáng lưu ý là cầu thang cái không những có kích thước tối thiểu phải lớn gấp đôi cầu thang đực mà bên trên còn được khắc thêm một đôi vú và một vành trăng lưỡi liềm. Cấu trúc này được xây dựng dựa trên quan niệm cho rằng tiếp xúc hoặc chiêm ngưỡng vú thật hay vật tượng trưng đều có thể mang lại cho gia đình họ nhiều vận may và điềm lành. Ngoài ra họ còn tin rằng bầu vú đàn bà có thần uy xua đuổi thú dữ. Bởi thế mỗi khi ra rẫy hoặc lên rừng, đàn bà ngực trần và tay không ngang nhiên đi trước mở đường còn đàn ông thì cầm giáo mác đi ở đằng sau. Cũng như chiếc cầu thang đực, đàn ông Ê-đê nhìn người đàn bà của họ bằng ánh mắt mến phục và lòng ngưỡng mộ sâu sắc chứ không phải mê mẩn vì động lực tiến hóa—một di sản văn hóa của chế độ mẫu quyền đã từng một thời ngự trị huy hoàng trên vùng thượng du.
Đương nhiên, phong tục để vú trần của phụ nữ sống trong những nền văn hóa này không nhất thiết có nghĩa là kích thích bầu vú do đối tác của họ thực hiện không phải là một bộ phận của giai đoạn tiền tấu hoặc giao cấu trong chốn phòng the của họ. Nhưng vấn đề là cho đến bây giờ vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về hiện tượng này theo chiều hướng nhân chủng học (tức là xác định kích thích bầu vú trong lúc làm tình là một thao tác vượt qua giới hạn văn hóa). Quan trọng hơn, dẫu tính phổ quát của nó có thể xác định theo chiều hướng nhân chủng học, ý nghĩa của việc kích thích bầu vú vẫn còn là một khúc mắc cần phải được tháo gỡ. Phải chăng mục đích của nó chỉ đơn thuần mang tính tiến hóa theo chiều hướng kiến tạo gắn bó đôi lứa dài hạn? Bằng vào trực giác, chúng ta không thể loại trừ giả định cho rằng đàn ông làm chuyện đó chỉ vì dục vọng sinh lý vị kỷ tạm thời—tức là để nâng cao mức độ hưng phấn cho chính bản thân họ trong lúc làm tình mà thôi.
Trên đây là một số lỗ hổng mà Lary Young và Brian Alexander cần phải lấp đầy trước khi lý thuyết của họ có thể được xác nhận là mang tính phổ quát hay toàn cầu. The Chemistry Between Us là một khám phá thú vị và đang dẫn phát một chuỗi phản ứng khá nhiệt liệt trong giới hóa học thần kinh và tâm lý học, nhưng nó chỉ là một chương tiết kích thích tiền tấu chưa thể đưa kẻ ghiền (nghiên cứu) vú lên đỉnh mê li của hồi kết cuộc.
Nói tóm lại, bóp vú vẫn còn là một vấn đề cần bóp trán.
Nam Hải Trường Sơn
Vẫn Vờ Vớ Vú Vu Vơ