Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Thân xác bạn là một tiểu vũ trụ vì được tạo thành từ những chất liệu của vũ trụ. Vũ trụ bên ngoài đã là một kỳ công của Ðấng Tạo Hóa, vũ trụ bé nhỏ của thân xác bạn lại là một kiệt tác của Ngài - nó không chỉ là phần vật chất mà còn được thông chia một phần sự sống của Thiên Chúa. Bạn hãy cảm tạ Ngài vì Ngài đã ban hai tác phẩm tuyệt vời như vậy. Người ta chưa thể khám phá hết vũ trụ thì cũng chưa thể khám phá hết về con người.
Theo nghiên cứu khoa học, vũ trụ được hình thành cách nay khoảng 10 tỉ năm, sự sống đầu tiên xuất hiện khoảng 2 tỉ năm, và con người đầu tiên xuất hiện trên mặt đất khoảng 300 triệu năm. Con người xuất hiện sau cùng và là sinh vật hoàn hảo nhất. Người đã đi ngược thời gian để khám phá nguồn gốc của vũ trụ và của chính mình.
Những khám phá khoa học ngày càng cho thấy vũ trụ thật vĩ đại và thật tinh vi, phức tạp nhưng rất hợp lý, đã diễn tiến nhịp nhàng theo một quy luật cố định, không phải ngẫu nhiên, không rơi vào hỗn loạn, nhưng được sắp xếp hướng về một chủ đích rõ rệt là tạo điều kiện, bảo đảm, duy trì và giúp sự sống phát triển tới mức hoàn hảo (Lm. Nguyễn Văn Tuyên, Tin Mừng Nước Thiên Chúa).
Khởi đầu vũ trụ tối tăm và hiu quạnh, chỉ là một khối hydro hỗn mang, cô đọng dần thành những chất thể cứng, những mô thức kim khí và đất đá tiên khởi, rồi nước, ánh sáng, hơi nóng? Hàng tỉ năm sau mới thấy dấu vết của sự sống. Sự sống ấy thật đa dạng và kỳ diệu, biến chuyển và phát triển không ngừng. Trong mỗi cá thể đều có sẵn bản năng sinh tồn nên đã thay đổi cấu trúc và hình dạng qua một thời gian lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn để có thể thích nghi và tồn tại với môi trường sống đa dạng và thay đổi. Những loài sinh vật sống trong những điều kiện sống khác nhau có cấu tạo và hình dạng khác nhau: sinh vật sống dưới nước có cấu tạo và hình dạng khác sinh vật sống trên cạn và trên không. Có những loài có cấu tạo rất đơn giản vì đời sống phức tạp để đáp ứng nhu cầu sống phức tạp, như các sinh vật đa bào: cá, chim, thú? Trong mỗi cá thể lại có những cấu trúc di truyền rất tinh vi, qua đó mỗi cá thể của từng loài kế thừa những đặc tính của nòi giống mình: cá sinh ra cá, vượn sinh ra vượn, người sinh ra người. Nơi con người quy tụ tất cả những cấu tạo phức tạp và tinh vi nhất.
Con người có não bộ phát triển nhất, được chia thành hai bán cầu não với những trung khu thần kinh điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Vô số những dây thần kinh tỏa đi khắp châu thân để thu nhận kích thích từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể, đưa đến trung khu thần kinh tương ứng rồi từ đây phát ra những mệnh lệnh vận động giúp các phần của cơ thể phản ứng kịp thời và thích ứng với từng kích thích, hoặc cử động tự do theo ý muốn của mỗi người. Do đó con người có những hoạt động tinh vi hơn loài vật với những cử động phức tạp, phản ứng nhanh nhẹn, chính xác và khéo léo. Nhưng đặc biệt hơn hết là con người có tư duy và khả năng làm chủ bản thân và môi trường. Trong khi các loài vật khác chỉ hoạt động theo áp lực của bản năng và chịu sự biến đổi cơ thể cho thích nghi với môi trường sống, thì con người có những hoạt động chủ động, biết suy nghĩ, tính toán, lựa chọn và sáng tạo, có ước muốn, ước mơ và có tự do. Con người không biến đổi cơ thể để có thể tồn tại với sự khắc nghiệt của môi trường nhưng con người cải tạo và khai thác môi trường để môi trường phục vụ chính nhu cầu sống của mình. Thuyết tiến hóa đã đưa ra giả thuyết rằng các sinh vật tiến hóa từ đơn giản đến phức tạp dần và biến đổi từ dạng này sang dạng khác, từ loài này sang loài khác. Cũng theo thuyết này, con người cũng theo sự tiến hóa, và tổ tiên gần nhất của người là vượn người. Ðây chỉ là giả thuyết dựa vào những điểm tương đồng giữa vượn và người: có cấu tạo não bộ, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và các tuyến nội tiết giống nhau. Nhưng cho tới ngày nay, giả thuyết này vẫn còn nhiều nghi vấn chưa giải đáp được:
- Người và vượn có cấu tạo não bộ và hệ thần kinh giống nhau, nhưng người lại có những sinh hoạt khác hẳn loài vượn: đó là sinh hoạt tinh thần, biết suy nghĩ, có nhu cầu tri thức và nghệ thuật, có tình cảm, có lương tâm, biết phán đoán lành, dữ.
- Từ khi được tạo dựng, người càng ngày càng văn minh, tiến bộ về mọi phương diện trong khi các sinh vật khác chỉ thay đổi cấu trúc và hình dạng để thích nghi và tồn tại.
Giả thuyết tiến hóa về con người đúng hay sai không quan trọng. Các nhà khoa học chỉ làm công tác nghiên cứu để khám phá công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Ngài có thể trả lời cho họ một ngày nào đó theo Ngài muốn qua việc cho họ khám phá ra sự thật. Ðiều quan trọng là Chúa đã tạo dựng con người sau hết và có mức độ phát triển hoàn bị nhất để Ngài có thể ban cho người một phần sự sống cao cả của Ngài. Ðó là sự sống siêu nhiên, sự sống thần linh, để con người mang phẩm chất làm con Thiên Chúa, có khả năng liên lạc được với Ngài và có thể nhận được những ơn siêu nhiên khác. Do đó trong các bài tường thuật về việc sáng thế, người là tột đỉnh của thụ tạo và được tạo thành sau cùng, được mô tả trong một khung cảnh hết sức trang trọng. Ðiều này chẳng những hợp lý theo khoa học nhưng còn hàm chứa một ý nghĩa sâu xa:
Tất cả được tạo dựng và chuẩn bị sẵn cho con người.
Người là con của Thiên Chúa vì được tạo dựng theo hình ảnh Ngài.
Người được Thiên Chúa ủy nhiệm thay mặt Ngài cai quản vũ trụ,
Và tiếp nối công trình sáng tạo của Ngài.
Trong khi các sinh vật khác, ngay cả vượn, chỉ kế thừa cho nhau những đặc tính vật chất của loài mình, chúng chỉ có nhu cầu ăn uống, sinh sản và tồn tại, thì con người ngoài những đặc tính di truyền vật chất này còn thông truyền cho nhau những đặc tính tinh thần. Những nhu cầu ăn uống, sinh sản và tồn tại không đủ thỏa mãn con người và cũng không đơn giản như ở những sinh vật khác. Con người cần ý thức, đặt ý nghĩa trách nhiệm và tình yêu vào những hoạt động ấy. Tương quan giữa người với người cũng khác với loài vật. Con người cảm thấy cần đi tìm người khác không phải chỉ vì nhu cầu vật chất hay xã hội mà còn là nhu cầu cần yêu và được yêu. Những liên lạc giới tính không thuần túy là bản năng truyền sinh, nhưng còn là động lực của tình yêu, muốn chia sẻ và trao ban. Người chỉ tìm thấy hạnh phúc khi hai tác động này hòa nhập làm một; những đứa con là kết quả của sự ân ái mang dấu tích tình yêu của hai tâm hồn và hai phái tính, qua đó con người đã thông chia cho nhau đặc tính tinh thần cao quý mà người đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Ðó là Tình Yêu. Ðây là đặc tính của Thiên Chúa, và do đó cũng phải là đặc tính của người làm con Thiên Chúa. Ðặc tính này được biểu lộ ngay từ nụ cười đầu tiên của em bé sơ sinh dành cho người mẹ, nụ cười của lòng yêu mến chân thật. Lòng yêu mến này là mối dây liên lạc thâm tình giữa mẹ và con, giữa người với người, thì cũng chính là mối dây liên lạc giữa người với Thiên Chúa (Lm. Phạm Gia Thụy, Mầu nhiệm Cứu Ðộ). Ðáng lẽ lòng mến này sẽ lớn lên cùng với sự lớn khôn của con người thì người sẽ nhận biết Thiên Chúa, vì "Thiên Chúa là Lòng Mến. Ai yêu mến thì biết được Thiên Chúa" (1 Ga 3:1, 4:8). Thế nhưng tại sao con người cứ phải đi tìm hoài câu trả lời cho những vấn nạn:
Vì sao tôi có mặt? Ðâu là lẽ sống của đời tôi? Tôi sống để làm gì? Cùng đích của đời tôi là gì? Có phải chết là hết không? Nếu thế thì những cái tôi đang theo đuổi, đang dấn cả đời và cả sinh mạng vào đó: tài năng, tiền của, danh vọng, địa vị hay công đức? đều vuột đi hết khi tôi nhắm mắt lìa đời sao? Như vậy đâu là cái lý lẽ đáng để tôi nỗ lực sống một đời có ý nghĩa? (Lm. Phạm Gia Thụy, Mầu nhiệm Cứu Ðộ, 6).
Hỏi như thế tức là chưa đụng chạm đến Thiên Chúa, chưa biết Chúa là ai hoặc chưa cảm nghiệm Ngài bằng tinh thần và bằng tình yêu. Phải chăng con người khi lớn khôn đã bị một năng lực ma quái quyến dụ và sự va chạm với những "đanh ác" khiến con người đánh mất sự trong sáng và tình yêu chân thật buổi đầu đời, do đó không còn nhận ra Thiên Chúa, Ðấng là Tình Yêu nữa? Thiên Chúa đã bao trùm trong cả đời ta trong từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của đời sống, đã quan phòng và khích lệ ta trong từng biến cố vui buồn và đã chuẩn bị sẵn cả một vũ trụ mênh mông với tài nguyên phong phú cho ta sử dụng. Ngài tạo dựng và lo toan cho ta bằng một thượng trí siêu phàm và một tình yêu tuyệt đối. Do đó Ngài không ẩn mặt, Ngài luôn mời gọi và chờ đợi con người khám phá ra Ngài, khám phá ra công trình tình yêu của Ngài hầu có thể kín múc từ suối nguồn yêu thương đó niềm hạnh phúc vô biên mà Chúa muốn cho con cái Ngài được hưởng. Ngài đã đặt vào lòng người một khát vọng để con người lên đường tìm kiếm Ngài. Thánh Augustin đã cảm nghiệm sự thôi thúc của Thiên Chúa trong đời ngài: "Lòng tôi xao động mãi cho tới khi gặp được Ngài" (Tự thuật).
Còn Ðức Cha Bùi Tuần đã diễn tả tâm trạng người lữ hành trên đường tìm kiếm Chúa trong tác phẩm "Nói Với Chính Mình" như sau:
"Ðời tôi là một chuyến đi. Ði từ ngày nọ sang ngày khác. Ði từ khát vọng này đến khát vọng khác. Chẳng lúc nào tôi không ước mơ, không sự gì làm tôi no thỏa? Trong mọi ước muốn nhỏ to, hình như tôi vẫn đi tìm hoài một hạnh phúc vô biên? Cõi vô biên chỉ có thể là Thiên Chúa? Thành ra suốt cuộc đời tôi là một quãng đi tìm Thiên Chúa?" (trang 37).
Thiên Chúa ở rất gần nhưng cũng rất xa. Xa cho những ai chỉ biết lấy đời sống vật chất làm cùng đích của mình, bị vây kín trong cái tôi hẹp hòi, ích kỷ. Gần cho những ai biết mở đường cho Thiên Chúa và tha nhân, lên đường tìm kiếm sự thật, khao khát một lẽ sống hoàn thiện. Ai chân thành sống theo tiếng nói của lương tâm là đã đi được những bước đầu tiên trên đường gặp gỡ Chúa, vì lương tâm là phần ánh sáng căn bản Thiên Chúa ban để dẫn người đến với Thiên Chúa, và là luật sống căn bản của Nước Trời. Thiên Chúa đã đặt lương tâm vào tâm can mỗi con người để nó bắt đầu xóa tan bóng đêm tăm tối của linh hồn trống vắng Thiên Chúa, kéo linh hồn lên khỏi vực thẳm của hư vô, của tội lỗi và hỏa ngục. Sau những bước khởi đầu này linh hồn mới có khả năng đụng chạm tới Thiên Chúa, được ánh sáng chan hòa của hồng ân và của Lời Chúa dẫn người vào bên trong thâm sâu tình yêu của Ngài. Con người sẽ bắt đầu nếm cảm hạnh phúc của cõi trường sinh, giúp người vươn dần lên cõi sống hạnh phúc muôn đời.
Con người đã dày công nghiên cứu khoa học để khám phá vũ trụ, vạn vật và chính mình. Con người cũng đã lên tận cõi cung trăng để mong "tìm kiếm Thiên Chúa" như lời một phi hành gia nước Nga trước đây: "Tôi đã lên tận chín tầng trời nhưng không thấy Thiên Chúa đâu cả!"
Vì tất cả con người, vũ trụ và tận cõi cung trăng? vẫn chỉ là những biểu hiện bề ngoài của Thiên Chúa. Làm sao con người có thể gặp được Ngài chỉ nơi những biểu hiện bề ngoài nếu không được năng lực tình yêu của Ngài kéo người vào cõi thâm sâu mầu nhiệm của lòng Ngài? Lòng mới nghe được tiếng lòng, tình yêu mới cảm được tình yêu. Vì thế, trái ngược với phi hành gia trên, nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã gặp được Thiên Chúa. Issac Newton khi quan sát các hành tinh và dải ngân hà đã reo lên: "Tôi thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi".
Quả thật con người luôn đi tìm cái gì là tuyệt đối, là thiện hảo, nhưng chỉ dùng lý trí không thì chưa đủ, phải cần sự hướng dẫn, soi sáng của Ðấng Tạo Thành, là Ðấng biết rõ căn nguyên, bản chất và cùng đích các tạo vật của Ngài. Khi ngài vén mở cho người điều gì là để con người tiến đến sự hiểu biết Ngài thêm một bước. Nếu con người dừng lại nơi việc thỏa mãn lý trí, thì sự liên lạc với Thiên Chúa không có nơi họ. Rồi một ngày nào đó mọi kiến thức của họ cũng sẽ rơi vào hư không. Không mở ra cho Thiên Chúa, con người sẽ không bao giờ ngoi lên được ánh sáng hồng ân và diễm phúc Thiên Ðàng mà Ngài dành cho con người.
Và để cho con người có khả năng vươn tới hạnh phúc và luôn thao thức đi tìm một Ðấng Thần Minh cao cả để tôn thờ. Do đó chúng ta hiểu tại sao con người tìm đủ mọi cách để được hạnh phúc dù nhiều lúc họ không có một quan niệm đúng về hạnh phúc, và họ đã tôn thờ nhiều thần, gia nhập nhiều tôn giáo để mong gặp được Ðấng Tối Cao. Ðấng đó là Ai nếu không phải là Ðấng Tạo Hóa đã tạo dựng ra vũ trụ và chính họ? Chỉ mình Ngài mới có thể ban cho con người sự sống trần thế và sự sống vĩnh cửu cũng như hạnh phúc chân thật muôn đời. Bởi vì chỉ mình Ngài là Ðấng Toàn Năng và Yêu Thương vô cùng. Ngoài Ngài, con người chỉ kinh nghiệm nỗi hoang vắng, lạnh lùng của sự hư vô, đổ nát trong kiếp sống phù du, hay niềm đau khổ của hận thù, tội lỗi và chết chóc. Ðối với những ai đã kinh nghiệm sự gặp gỡ Chúa trong cuộc đời, đã cảm nhận được tình yêu của Ngài, họ tuy sống trong trần thế nhưng lòng trí họ luôn quy hướng về một tương lai vĩnh cửu, họ như đang sống với Ðấng Vô Hình nhưng thật gần gũi và thân mật với họ hơn tất cả. Những việc làm phục vụ cho trần gian là cách thế họ diễn tả tình yêu mến đối với Ðấng Tạo Hóa, và đối với anh chị em chung một Cha trên trời. Họ dám hy sinh một phần, có khi tất cả phần vật chất, hoặc cả mạng sống cho một lý tưởng, cho một tình yêu. Ðiều này chứng tỏ rằng vật chất tuy cần thiết và có giá trị cho cuộc sống phàm trần, nhưng chưa phải là tất cả, mà lẽ sống cùng tận của một đời người chính là tình yêu trong liên lạc thâm sâu với Ðấng Tạo Thành và tất cả anh em chung một Cha trên trời.
Chỉ khi nào con người cố gắng sống đúng với những phẩm chất tinh thần họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, họ sẽ biết Thiên Chúa Là Ai và Họ Là Ai. Khi đó họ sẽ không chỉ ngắm nhìn vũ trụ, vạn vật hay chính mình họ như một công trình vĩ đại, tinh vi nhưng còn chiêm ngưỡng nơi đây một Ðấng Toàn Năng, Toàn Thiện và Yêu Thương vô cùng. Ðó chính là lúc họ gặp được Ngài và bắt đầu được dẫn vào cõi phúc hằng sống của Thiên quốc.
Nữ tu Tố Nhung - Tu Hội Hiện Diện và Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét