VI TÍNH HÙNG DŨNG: Hành Hương Đất Thánh

Google
Tìm trên Web HDCoomputer

Hành Hương Đất Thánh

Ba Kim Tự Tháp lớn của Ai Cập ở Giza

Kim Tự Tháp Khufu (Cheops, cao 137m), Kim Tự Tháp Khafre (Chephren cao 127m), Kim Tự Tháp Menkaure (Mycerinus cao 66 m), Chỉ có Kim Tự tháp Khufu (Cheops) được gọi là "Kim Tự Tháp Vĩ Đại – Great Pyramid) và được coi như là một trong những kỳ quan thế giới – The Seven Wonders of the Ancient World – Ba Kim Tự Tháp là lăng tẩm của ba đời vua : của Pharaon có tên là Kheops, của con trai ông là Khephren và của cháu nội là Mykerinos.



Kim Tự Tháp: một kỳ quan của thế giới

Thánh Đường Sargius là nơi khi xưa gia đình Thánh Gia đã có một thời tỵ nạn trốn chạy vua Herôđê đến ở đây. Một căn nhà rất tồi tệ, giống như cái hang thì đúng hơn, thấy thật đau lòng, nước mắt không thể không rơi. Ngôi nhà này nằm ngay trên mặt nước ngầm nên khi mưa về nước ngập lên cao, vậy mà Ba Đấng đã sống tại đây hơn 3 năm trời ròng rã trong cảnh khó nghèo lam lũ. Bây giờ một nhà nguyện rất xưa được xây trên ngôi nhà này.


Nơi Gia Đình Thánh Gia sống ở Ai Cập, nếu không thấy chắc sẽ không tin đó là sự thật


Ngôi thánh đường St. Mary được Đức Mẹ hiện ra năm 1968 ở Ai Cập

Ngọn núi Sinai cao chọc trời, 7280 ft là một di tích bất di bất dịch của Cựu Ước, một di tích ngàn đời không thể quên, không thể không nhắc tới, vì chính nơi này Thiên Chúa đã ban bố lề luật làm hiến pháp và lập Giao Ước với dân Ngài, nơi mà bao thế kỷ xưa Thiên Chúa Chí Tôn đã hiển linh với Môsê, ban cho chúng ta 10 điều răn của Ngài. Khi đứng trên đỉnh núi này, nhìn lên là trời, nhìn xuống bốn bề là đá trùng trùng điệp điệp, không một bóng cây, không một cọng cỏ, vậy mà khi xưa Môsê đã ở trên đó 40 ngày với Chúa.

Núi Sinai

Leo được tới đỉnh núi này không phải dễ. Nếu so sánh ngọn núi Krizevac bên Mễdu với núi Sinai thì Krizevac không là gì cả. Không hiểu ngày xưa Môsê đã đi như thế nào, nhưng bắt đầu đi từ 1:30 sáng bằng lạc đà lên tới lưng chừng núi mất hai tiếng, rồi từ đó còn phải leo lên thêm 750 bậc nữa mới tới đỉnh. Thời gian hơn 4 tiếng, rất mệt, rất khó khăn vì ngọn núi cao chọc trời, toàn là đá, nắng lên nóng thật gắt. Ngồi lạc đà không quen nên rất khổ sở và mỏi mệt. Thời Môsê chắc đường không dễ như bây giờ, vì bây giờ họ đã làm những con đường thoai thoải dễ dàng hơn. Trên đỉnh bây giờ là một ngôi đền thờ kính Thiên Chúa Ba Ngôi của Chính Thống Giáo và một đền thờ của Hồi Giáo.


Núi Sinai – Từ trên núi nhìn xuống

Bụi Gai: Tạ ơn Chúa, có nằm mơ con cũng không ngờ là được chiêm ngưỡng bụi gai xưa Chúa hiện ra với Môsê. Bụi gai này giờ đây được bảo bảo vệ trong một nhà dòng thánh Catherine, không ai được động tới. Qua bàn tay bao che quyền năng của Thiên Chúa, bụi gai vẫn xanh tươi tươi với thời gian mặc dù đã qua bao ngàn năm nhưng đối với Thiên Chúa có chuyện gì Ngài không làm được. Tất cả đều là hồng ân của Ngài. (Xh 3, 2)
.

Giếng Madian, nơi Môsê dừng chân và gặp người con gái mang tên Xipôra. Nơi đây đã xảy ra một chuyện tình thật thơ mộng giữa Môsê và Xipôra, để rồi duyên nợ này thành một chuyện tình bất hủ cho con cháu của Người. (Xh 2, 11-21)

Giếng Môsê

Giếng Nước Đắng: khi xưa Môsê đã dùng gậy làm cho nước biến thành ngọt cho dân Israel uống. Con cảm nghiệm tình Chúa bao dung cho dân Ngài khi xưa và cho con bây giờ, và tình Ngài vẫn luôn bao dung cho muôn thế hệ. (Xh 15, 22-25)


Giếng nước đắng
Biển Chết (Dead Sea): Nằm trong vùng sa mạc của miền Giuđêa, miền nam Israel, biển này dài 47 miles, rộng 10 miles, mặt nước có diện tích khoảng 360 square miles (1020km2), chỗ sâu nhất là 1278ft. Mặt nước của biển thấp nhất trái đất. Nơi đây không có một sinh vật nào có thể sống nổi vì độ mặn của nó, 33% so với các biển khác chỉ có 3%, mặn đến độ không ai bơi dưới đó mà bị chìm cho dù không biết bơi. Hằng ngày nước sông Jordan và những dòng sông khác đổ vào đây khoảng 7 triệu tấn nước mang theo một khối lượng khoáng chất đáng kể.


Biển Chết

Thành Phố Qumran: Nằm trên bờ tây bắc của Biển Chết, là nơi cư ngụ của các ẩn sĩ Esseni, những người ghi chép các bản văn Kinh Thánh rất cổ xưa vô cùng quí giá cho việc học hỏi Kinh Thánh. Tại đây, năm 1947 một người chăn cừu đã tình cờ khám ra một hang động có những bình chứa các văn kiện quan trọng này. Các nhà khảo cổ đã mua lại được một số văn kiện ghi chép Thánh Kinh, (Dead Sea Scrolls). Họ cũng khám phá ra một tu viện đã bị vùi lấp. Những tài liệu quí giá này được lưu trữ và trưng bày tại một bảo tàng viện lớn của Do Thái là Shrine of the Rock.
JERUSALEM: là nơi náo nhiệt phồn hoa, cảnh thiệt đẹp được xây cất trên một quả đồi, nơi cao nhất là núi Sion về phía Nam Đền Thờ. Dân số một triệu người gồm các sắc tộc và nhiều tôn giáo khác nhau, là trung tâm sinh hoạt quan trọng của chính quyền và tôn giáo. Đền Thánh Jerusalem vĩ đại do vua Salomon (930-970 trước CN), xây dựng trong vòng 40 năm. Đền thờ bị vua Nabucodnoso phá hủy, sau đó khi dân lưu đầy được vua Kyrô cho hồi hương, đã được trùng tu lại. Thời vua Herođê (hậu bán thế kỷ I trước CN) tái thiết thật vĩ đại, nhưng vào năm 70 sau CN bị phá hủy hoàn toàn do tướng Titus, khi ông đem quân La Mã tới tàn sát vì dân Do Thái nổi dậy chống lại sự đô hộ của đế quốc La Mã thời đó, sự tàn phá còn để lại dấu vết trong cổ thành Jerusalem. (Tục truyền rằng đền thờ Jerusalem là nơi Abraham toan giết con để làm lễ tế Thiên Chúa).


JERUSALEM - Đứng trên núi Cây Dầu khi xưa nhìn xuống

Thành Jerusalem, gồm hai khu vực chính là khu cổ thành được xây thêm từ ngày tái thiết quốc gia (1948) và thành Jerusalem được gọi là khu Tân Trang. Cổ thành Jerusalem nằm trong khu nội thành được bao bọc bằng những bức tường cao 10 mét, chung quanh có 8 cổng ra vào nằm ở 4 phía Đông Tây Nam Bắc.

Cổng hướng Tây (Westgate) là nơi nghe nói Chúa sẽ đến lần thứ hai.

Cổng Hướng Tây

Tel Aviv-thủ phủ của Israel. Thành phố duyên hải phía nam Israel, trước đây là trung tâm tiếp cư chính các đợt hồi hương người Do Thái, cho đến năm 1980 được gọi là thủ đô hành chánh của tân quốc Israel… Tel Aviv phát triển nhanh chóng nên đã biến nơi đây thành trung tâm kinh tế, thương mại và kỹ nghệ chính của Israel
Haifa đứng hàng thứ ba sau Jerusalem và Tel Aviv. Thành phố này cũng là trung tâm chính của đạo Bahai (gốc Hồi Giáo).
Nơi đây có một ngôi đền thờ rất đẹp, được các tu sĩ dòng khổ tu Carmel cất từ năm 1245. Vị thánh này là Gioan Thánh Giá. Núi Carmel nổi tiếng là nơi xưa có cuộc thách thức của nhà tiên tri Êlia đối với các tư tế thần Baan để cho dân nhận biết Thiên Chúa thật là Đấng nào (1 Vua 18.20-46). Trong đền thờ này vẫn còn tượng của tiên tri Êlia
Masada: cách Biển Chết chừng 3 miles ở giữa sa mạc Judea có một pháo đài kiên cố gọi là Masada. Masada trở thành đền thánh của người Do Thái, nơi đã diễn ra những trận chiến thê lương và oai hùng nhất của lịch sử Do Thái. Năm 40 sau CN vua Herode xây một pháo đài kiên cố. Khi người Do Thái nổi lên chống lại Rôma vào năm 66, và sau khi Jerusalem bị tàn phá, Ben Yair và quân Do Thái đã dùng nơi này chiến đấu cho tự do chống lại quân Rôma. Sau cùng, biết không thể chống cự lại quân Rôma, các chiến sĩ trong pháo đài đã tự sát tập thể. Từ đó Masada là nơi nổi tiếng và đáng ghi nhớ nhất của người Do Thái. Nghe nói chính nơi này xưa kia thánh Phaolồ đã bị bắt và bị giam trong 2 năm.
Thành thánh Hebron: là một trong những thành phố cổ nhất ở Đất thánh, có từ thế kỷ 17 trước CN. Khi đến Hebron ông Abraham đã mua phần đất Hang Macpelah và biến thành nghĩa trang cho gia đình ông. Abraham và vợ là Sarah, con là Isaac, cháu là Jacob với vợ là Rebekah và Leah đều đã chôn tại Hang Macpelah này.

Mộ của Isaac và Rebecka

Hebron là một trong 4 thành Thánh của Do Thái. Tại Hebron, vua David đã cai trị dân Juda hơn 7 năm trước khi nhận Jerusalem làm thủ đô của ông.

Nhà thờ Thánh Ana: và cũng là nơi Đức Mẹ ra đời.
Nhà thờ Truyền Tin: Ngôi nhà Đức Mẹ khi xưa được Thiên Thần hiện ra truyền tin cho Mẹ. (Lc 1, 26-27) Nơi đây 2 ngàn năm trước một Trinh Nữ đã thưa hai tiếng ‘XIN VÂNG’ và rồi Trinh Nữ đó đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ loài người.


Nhà thờ truyền tin

Phía sau bàn thờ là ngôi nhà Đức Mẹ Đã được Thiên Thần đến truyền tin.
En Kerem: quê hương thánh Gioan tẩy Giả. Nhà thờ Thánh Isave là một ngôi đền thờ nhắc lại ngày xưa Đức Mẹ khi nghe tin bà Isave mang thai đã tới nơi này để thăm bà chị họ. Từ Nazarét về tới En Kerem cũng xa xôi lắm (90 cây số) và nhiều trắc trở hiểm nguy, lúc đó Đức Mẹ tuổi còn quá trẻ, vậy mà khi nghe tin bà Isave có thai Mẹ đã không nề hà đường xá xa xôi đã rong ruổi đi thăm bà chị họ mình.

Ngôi nhà của Thánh Isave nằm trên đồi cao nhìn xuống thung lũng rất đẹp. Từ dưới lên tới ngôi nhà thờ phải đi qua 66 bậc thang cấp (Lc 1, 39-45) Nơi đây bài Magnificat đã được viết trên tường bằng mọi thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt Nam.



Bên trong ngôi nhà thờ Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave



Mộ các thánh anh hài bên dưới.

BÊLEM (The Birthplace of Jesus): ở phía Nam của Jerusalem, nằm trên một ngọn đồi đá vôi cao trên mặt biển. Dân số khoảng chừng 50.000, Bêlem là một nơi rất quan trọng vì trong Thánh Kinh đã đề cập tới nhiều lần. Bêlem là nơi an nghỉ của Rakel vợ ông Jacob được chôn cất trên đường vào Ephrata, tức Bêlem, cũng là nơi Bà Ruth – bà cố của vua Đavid – đã gặp ông Boaz và kết hôn với ông, là nơi sinh trưởng của vua Đavid, chính nơi đây ông đã được tiên tri Samuel xức dầu tấn phong làm vua dân Do Thái.

Làng Bêlem




Đặc biệt nhất là nơi Chúa Giáng Sinh. Thánh đường Chúa Giáng Sinh được xây trên hang đá nơi Chúa Giáng Sinh. (Mt 2, 1-3) Dưới hầm Thánh Đường, có một cái hang (mặt tiền nay được xây thành một cửa vuông, mầu đỏ), đó là nơi Chúa sanh. Trong hang có ngôi sao bằng bạc ghi dấu nơi Chúa sinh xuống trần 2000 năm trước.


Ngôi sao này ghi dấu nơi Chúa Giêsu sanh ra

Nơi đây đánh dấu một trang tình sử của Thiên Chúa, ghi nhớ một đêm đông giá lạnh, từ trời cao Thiên Chúa xuống thế làm người, giao hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Vườn các người chăn chiên nơi các mục đồng ngày xưa được Thiên Thần hiện ra với họ báo tin Chúa Cứu Thế ra đời.


Nhà thờ ghi nhớ các mục đồng ngày xưa được Thiên Thần đã hiện ra báo tin Chúa Cứu Thế giáng trần.

NAZARET
cũng là nơi Chúa Giêsu sống ẩn dật trong quãng đời thơ ấu; sống vâng phục Đức Mẹ và Thánh Giuse đồng thời chuẩn bị cho công cuộc giảng dạy và thực hiện ơn Cứu Độ. Hầu như vùng đất này vẫn còn in đầy những dấu tích của Ngài không phai nhạt và sẽ không bao giờ nhạt phai trong lòng nhân loại.


Nơi ở của Gia Đình Thánh Gia ở Nazareth
Cana nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên, hóa nước thành rượu hảo hạng (Ga 2, 1-12). Tại đây có một ngôi Thánh đường rất đẹp, và trong Thánh đường ngày hôm đó cũng có một cái đám cưới. Nhà nguyện nhỏ bên cạnh, dưới hầm còn giữ những chum đựng rượu khi xưa.



Thành Kfar Cana



Nhà thờ Cana nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên


Bên trong Nhà thờ

Thành Phố Tibêria được coi là một trong 4 thành thánh của Do Thái (Jerusalem, Hebron, Safed, Tiberias). Vào năm 1033 Tiberias bị tàn phá bởi trận động đất lớn, sau đó thành phố được xây lại. Hiện thời dân cư ngụ nơi đây toàn là người Do Thái. Với bờ biển tuyệt đẹp. Ngày nay Tibêria là nơi nghỉ mát nổi tiếng với những khách sạn nhà hàng sang trọng.



Thành phố Tiberia
Sông Jordan: nơi Chúa chịu phép rửa. (Mt 3, 13-17) Sông này phát nguyên từ chân núi Hermon. Sông chảy xuống từ phía nam của biển Galilê qua Syrian Africa Rift chảy ra Biển chết. Sông uốn khúc chạy dài khoảng 160 miles. Bề rộng 100 feet. Theo truyền thuyết nơi Chúa chịu phép rửa cách Jericô 5 miles về phía tây, gần nơi dân Do Thái vượt qua tiến vào Đất Hứa.



Dòng sông Jordan, một dòng sông rất thơ mộng. Hầu như nơi nào có dấu chân của Chúa đều là nơi rất sống động
Núi cám dỗ: Sau khi Chúa chịu phép rửa Ngài được Thần khí đưa vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện trong 40 ngày cùng Đức Chúa Cha. Đây cũng là sự mở màn cuộc rao giảng của Ngài cho công trình cứu độ, và cũng là việc diễn trước cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Cuộc đời Chúa là một cuộc đời cầu nguyện không ngừng cho dù là một Thiên Chúa quyền năng tột bực.


Biển Galilêa: dài 13 miles, rộng 7 miles. Mặt biển thường yên lặng nhưng thỉnh thoảng có những trận cuồng phong. Vào thời Chúa Giêsu, Galilê là mạch lộ chính xuất phát những con đường về mọi hướng, địa điểm giao thông thuận lợi, thung lũng phì nhiêu và phong cảnh thơ mộng đã thu hút dân chúng đến lập cư ở đây rất đông. Biển Galilê là trung tâm của thành phố bao quanh. Chính trên sườn đồi biển Galilê Chúa Giêsu đã giảng về Nước Trời và Tám Mối Phúc Thật. Vùng này là nơi Chúa giảng dậy và làm rất nhiều phép lạ. Ngài đã chữa lành một người cùi (Mt 8, 1-3). Truyền cho sóng gió yên lặng (Mt 8, 23-26). Đi trên mặt nước (Mt 14, 25-27). Nước ở biển này là nước ngọt, nghề đánh cá vẫn là thương vụ quan trọng. Ngày nay là trung tâm du lịch nổi tiếng.


Nhà thờ Tám Mối Phúc Thật (Mount of the Beatitudes): là nơi Chúa giảng dậy về Tám Mối Phúc (Mt 5, 1-12).


Nhà thờ Tám Mối Phúc Thật trên núi



Bên trong nhà thờ


Nhà thờ Kinh Lạy Cha
Nơi đây xưa kia Chúa đã dạy các môn đệ cách cầu nguyện: Kinh Lạy Cha, một kinh ngắn gọn đầy đủ ý nghĩa.

Caphacnaum: Nơi đây thời đó là một ngôi làng chắc rất sầm uất, bây giờ chỉ còn là những phế tích lịch sử ghi dấu thánh thiêng của Thiên Chúa và các Tông đồ của Ngài. Các dấu tích nơi đây cũng không phai mờ với thời gian.

Phế tích Caphacnaum và Hội đường Do Thái cũ
Xứ sở này là nơi sản xuất dầu oliu. Kế bên nhà mẹ vợ Thánh Phêrô còn cái cối xay rất lớn để ép dầu. Ngày xưa không có máy móc nên họ phải dùng súc vật kéo cái cối ép dầu. Oliu có công dụng như dầu thánh, dầu ăn, dầu thắp, xà bông.v.vv.

Thành Giêricô: cũng là nơi khi xưa Môsê từ trên núi Nebô đã được nhìn thấy đất hứa. Và sau này là chuyện của một người trùm thu thuế tên Dakêu. Ông vì tò mò muốn gặp Chúa mà vóc người thấp bé nên ông đã trèo lên cây sung để được thấy Ngài. Nhưng vì tò mò hay ước mong gì bất kể, hôm đó ông đã được Chúa ghé nhà ông ăn cơm tối với ông: "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi ở lại nhà ông." (Lc 1, 5)



Truyền thuyết cho rằng Dakêu đã trèo lên cây sung này chờ Chúa đi ngang



Thành Jericho

Ghé cây sung khi xưa ông Dakêu đã ngồi trên đó chờ Chúa đi qua. Cây sung này là giao điểm của sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa của Lòng Thương Xót và Dakêu, là giao điểm của sự trở về với Thiên Chúa. Cây sung giờ đây rất to lớn, tuổi của nó đã trên 2000 năm, vẫn vươn cao trong vũ trụ, khoe mình trong nắng ấm, vui với trời xanh, thì thầm với gió chiều, tâm sự với mây bay… Nơi đây cũng là một phép lạ tuyệt vời của một tâm hồn biết mở lòng.

Viếng Núi Tabor, nơi Chúa biến hình năm xưa (Lc 9, 28-33). Ngọn núi này thấp hơn ngọn núi Sinai rất nhiều, và có Taxi đưa lên.


Đường lên núi Tabor
Ngoại thành Jerusalem: Đứng tại nơi ngày xưa gọi là vườn cây dầu (Olive), nơi Chúa đứng nhìn xuống thành Jerusalem và thương khóc cho thành này (Lc 19, 14-42). Nhìn xuống dưới là hàng ngàn nấm mộ đã có đó trước khi Chúa Giêsu ra đời. Và từ trên cao nhìn xuống thành này thật đẹp, bao quát tất cả. Jerusalem đúng là thành thánh được Chúa chọn, dân của Chúa diễm phúc biết bao.

Vườn Oliu khi xưa, đứng từ nơi này Chúa nhìn xuống và thương khóc thành Jerusalem
Đi trên con đường thời đó dân chúng rước Chúa vào thành Jerusalem và tung hô Chúa. (Lc 19, 36-38) Con đường này thật dốc và hẹp nhưng hồi đó chắc không được tráng nhựa như bây giờ. Hình ảnh Chúa được hoan hô vang dội góc trời này và sau đó họ đã đổi thành những tiếng thóa mạ kêu gào đóng đinh Ngài không dứt.


Cây Oliu trong Vườn Cây Dầu

Vườn có 7 cây oliu thật to lớn, trong đó có một cây đã hơn hai ngàn năm. Phải chăng cây Oliu này xưa kia đã một lần chứng kiến cảnh Chúa quì cầu nguyện, cảnh Chúa bị bắt và điệu đi? Ngôi vườn này rất đẹp kế bên Thánh Đường của Các Dân tộc (Church of All Nations).
Vườn Giệtsimani là nơi Chúa quì cầu nguyện lo buồn đổ mồ hôi máu ra…(Lc 39-44), là nơi Chúa bị bắt và điệu đi. Hòn đá còn đây, và tình sử vẫn còn tiếp diễn hằng ngày trên bàn thờ mỗi khi dâng thánh lễ.


Thánh Đường tại vườn Giêtsimani, trong ngôi thánh đường này có tảng đá Chúa quì cầu nguyện khi xưa




Mộ Chúa: Ngôi Mộ Chúa chỉ lớn khoảng 2 mét chiều ngang và 3 mét chiều sâu, chia làm hai phần. Phía trước để một cái bàn thờ nhỏ để làm lễ, nơi đây chỉ chứa được khoảng 15/20 người. Phía sau bàn thờ là cái cửa để đi vô mộ, nói là cửa nhưng thực sự khi vô đó phải cúi xuống mới vô lọt. Phía trong có thể đứng được 5 người nhưng rất chật chội. Trong đó để một tảng đá vừa đủ một người nằm, và đó là tảng đá Chúa nằm khi xưa.



Tảng đá Chúa quỳ cầu nguyện: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này nhưng đừng theo ý Con mà theo Ý Cha." (Mt 26,39)



Trước cửa mộ. “Khi đã nhận thi hài, ông Giôsép lấy tấy tấm vải gai sạch mà liệm.” (Mt 27, 59-60)




Trong mộ , thi hài Chúa được đặt trên tảng đá này, cũng là tảng đá Chúa nằm khi hạ xác xuống. Đây cũng là chặng thứ 14 trong Đàng Thánh Giá. Tảng đá thơm nức mùi trầm


Nhà nguyện Chúa lên trời. Ô vuông là chỗ đứng của Ngài khi về trời và bây giờ trên đá này vẫn còn dấu chân của Ngài.

Bức tường than khóc (The Western Wall)
: là nơi cực thánh rất quan trọng đối với người Do Thái, bức tường này là một phần của bức tường do Herođê xây xung quanh Đền Thờ thứ hai vào năm 20 trước kỷ nguyên. Bức tường này cũng là bức tường cầu nguyện. Nơi đây họ chia ra làm hai nơi cầu nguyện. Một bên cho đàn ông, một bên cho đàn bà. Trên bức tường này đầy kín những giấy xin ơn. Ngay trước cổng khi bước vô viếng bức tường này, có cái bảng để "Mộ Thánh Đavit", nhưng chúng con không có giờ đi viếng.


Hồ Bethseda là nơi Chúa làm phép lạ cho người bị bại 38 năm. (Ga 5, 1-44)

Cổng thánh Stephanô
để ghi nhớ vị thánh tử đạo đầu tiên. (CV 7, 5-60)


Nhà thờ Lazarô và mộ ngài: khi xưa Lazarô chết 4 ngày được chôn nơi đây và đã được Chúa Giêsu cho sống lại. (Ga 11, 17-27). Mộ này rất nhỏ hẹp, sâu và khó đi. Chúng con dự Thánh lễ tại thánh đường này.



Nhà thờ Thánh Lazarô
Nhà thờ Thánh Phêrô (Primacy Church): được trao quyền để cầm đầu Hội Thánh. Nơi đây Chúa hỏi Phêrô: "Phêrô, con có yêu mến Thày không?" ba lần. Rồi Chúa nói: "Con hãy chăn dắt chiên của Thày.." (Ga 21.15-17).


Trong nhà thờ: "Này con là Đá…”Nhà thờ Thánh Phêrô nơi Chúa trao quyền Tảng đá cho Ngài cầm đầu Hội Thánh, nằm ngay tại biển hồ Galilêa.

Sẽ có ích cho bạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lên đầu trang
Xuống cuối trang