VI TÍNH HÙNG DŨNG: Những điểm cần lưu ý khi chọn mua màn hình LCD

Google
Tìm trên Web HDCoomputer

Những điểm cần lưu ý khi chọn mua màn hình LCD

Màn hình LCD thời điểm hiện tại không còn là mặt hàng xa xỉ với dân công nghệ nữa, giá của nó hiện nay khá rẻ và hợp túi tiền của nhiều người. LCD có nhiều ưu điểm hơn so với màn hình truyền thống CRT: tiết kiệm điện, ít hại mắt và đặc biệt là tiết kiệm diện tích. Việc chọn mua 1 chiếc LCD không phải là 1 việc quá khó khăn, tuy nhiên bạn cần hiểu rõ những đặc điểm của nó để tránh mua phải 1 món hàng không hợp ý muốn.



1, Đầu vào hình ảnh
Đầu vào mà màn hình hỗ trợ là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đừng bao giờ cho rằng màn hình nào cũng tương thích với đầu ra của máy tính bạn.
Ngày càng nhiều máy tính để bàn được trang bị card đồ họa có đầu ra kỹ thuật số giúp xuất hình ảnh có chất lượng tuyệt vời hơn những cổng VGA thế hệ trước. Hầu hết những card đồ họa kỹ thuật số này kết nối với màn hình LCD qua cáp DVI. Nếu không có cổng DVI tương thích, màn hình sẽ không thể kết nối vào hệ thống.
Ngay cả khi máy tính của bạn có đầu ra VGA (analog) - cổng kết nối phổ biến thường thấy trên các loại laptop, desktop và server hiện nay - vẫn phải kiểm tra chắc chắn rằng đầu ra của hệ thống phù hợp với đầu vào của màn hình.
Trong một số trường hợp, người dùng cần kết nối nhiều hệ thống vào cùng một màn hình. Nhiều màn hình LCD chỉ hỗ trợ duy nhất một đầu vào, vì thế nếu bạn muốn có một màn hình có thể chuyển đổi qua lại giữa hai đầu vào, cần phải xem xét số lượng đầu vào màn hình hỗ trợ.
Lại có trường hợp người dùng muốn kết nối hệ thống xem phim HD (độ phân giải cao) hoặc hệ thống chơi game vào màn hình máy tính. Khi đó bạn cần chọn mẫu màn hình LCD có đầu vào HDMI bởi lẽ đây là cổng kết nối phổ biến để kết nối những hệ thống trên.

2, Độ phân giải
Độ phân giải là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý khi lựa chọn màn hình LCD. Độ phân giải tính bằng đơn vị điểm ảnh (pixel), được ghi theo mẫu chiều ngang x chiều dọc, ví dụ 1024 x 768.
Nếu hai màn hình có cùng kích cỡ hiển thị, màn hình nào có độ phân giải lớn hơn sẽ hiển thị được nhiều thông tin hơn. Tuy nhiên, độ phân giải lớn dẫn tới hệ quả là các biểu tượng và phông chữ sẽ nhỏ hơn. Lý do là vì có nhiều thông tin hơn được “nhồi nhét” trên cùng một kích cỡ khung hình hiển thị.
Màn hình 17-inch thường hỗ trợ độ phân giải 1280 x 1024, trong khi màn hình từ 20 đến 22-inch có thể hỗ trợ độ phân giải 1680 x 1050.

3, Kích thước
Kích thước là một lợi thế dễ thấy nhất của màn hình LCD. Màn hình LCD chiếm ít diện tích bàn hơn màn hình CRT rất nhiều, cả chiều ngang lẫn chiều dọc và đặc biệt là chiều sâu. Vì thế với cùng một khoảng trống đặt màn hình CRT, bạn hoàn toàn có thể thay vào đó màn hình LCD có kích cỡ khung hình lớn hơn.
Tuy nhiên, giữa những mẫu màn hình LCD có cùng một kích cỡ khung hình hiển thị vẫn có những khác biệt đáng kể về kích thước. Điều này bắt nguồn từ việc một số mẫu màn hình LCD có tích hợp cả loa, khiến đường viền màn hình tăng thêm vài inch.
Nếu bạn định đặt màn hình LCD vào một không gian chật hẹp, chỉ vừa đủ chỗ, ví dụ như trên bàn học hay dưới tủ sách, bạn cần đặc biệt chú ý tới kích thước toàn phần của màn hình. Bởi lẽ một màn hình rộng 17-inch không có nghĩa là nó có kích thước đúng 17 inch. Với cùng một kích cỡ khung hình, các mẫu LCD khác nhau sẽ có kích thước toàn phần chênh nhau một vài inch.

4, Độ trễ (thời gian đáp ứng)
Độ trễ của màn hình - hay còn gọi là thời gian đáp ứng - là một yếu tố nữa để đánh giá chất lượng màn hình. Thời gian đáp ứng là tổng thời gian cần thiết để một điểm ảnh của màn hình LCD sáng lên rồi tắt đi, tức là tổng thời gian để một màu hiện lên trên một điểm ảnh rồi biến mất. Khoảng thời gian này được tính bằng đơn vị mili-giây (1/1000 giây, kí hiệu: ms).
Màn hình có thời gian đáp ứng chậm sẽ dẫn tới hiện tượng hình ảnh mới xuất hiện nhưng hình ảnh cũ không kịp xóa hết, tạo ra những vệt mờ của hình cũ, gọi là hiện tượng bóng ma. Phần lớn màn hình LCD hiện tại có độ trễ ở mức chấp nhận được. Đối với người dùng, chủ yếu chỉ có các game thủ hoặc những người biên tập video là đòi hỏi sản phẩm có thời gian đáp ứng cao. Còn đối với nhà sản xuất, độ trễ đang trở thành một thước đo tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng thực sự của sản phẩm. Những màn hình LCD cao cấp có thời gian đáp ứng 5ms, trong khi những màn hình có chất lượng thấp hơn một chút có thời gian đáp ứng tầm 10ms.
Cần lưu ý phân biệt thời gian đáp ứng với tần số làm tươi màn hình. Màn hình LCD dùng đầu vào VGA hiển thị tốt hơn khi hỗ trợ tần số làm tươi cao hơn (75hz trở lên).

5, Kích thước điểm ảnh



Kích thước điểm ảnh (dot-pitch) là khoảng cách theo đường chéo giữa 2 điểm ảnh cùng màu (đỏ, xanh da trời, xanh lá cây) trên màn hình. Kích thước điểm ảnh càng nhỏ thì hình ảnh hiển thị càng sắc nét. Kích thước điểm ảnh được tính bằng đơn vị milimet (mm)
Màn hình LCD chất lượng trung bình thường có kích thước điểm ảnh xấp xỉ 0.29mm. Trong khi màn hình LCD chất lượng cao hơn có kích thước điểm ảnh khoảng 0.258mm.

6, Độ tương phản
Tỉ lệ tương phản là thước đo đánh giá sự khác biệt giữa màu sáng trắng mạnh nhất và màu tối nhất trên màn hình.
Tỉ lệ tương phản cao cho hình ảnh màu sắc đẹp hơn, các chi tiết rõ ràng hơn. Màn hình LCD cao cấp có tỉ lệ tương phản cao, khoảng 1000:1. Trong khi các mẫu LCD phổ biến có tỉ lệ tương phản vào khoảng 500:1 đến 700:1.

7, Góc nhìn
Góc nhìn của màn hình là yếu tố khá quan trọng, đặc biệt trong trường hợp màn hình đóng vai trò là công cụ làm việc nhóm. Nếu nhóm làm việc của bạn tập trung ngồi quanh màn hình để cùng làm một bản thuyết trình, màn hình nhất định phải hỗ trợ khả năng hiển thị hình ảnh tốt từ nhiều góc độ.
Góc nhìn được tính theo đơn vị độ. Nếu bạn cần sắm một màn hình LCD để làm việc nhóm, hãy chọn những mẫu có góc nhìn ít nhất là 170 độ. Những mẫu màn hình như thế cho phép nhìn rõ từ góc 85 độ tính từ trung tâm.

8, Điện năng tiêu thụ
Màn hình LCD tiêu thụ điện năng ít hơn nhiều so với đối thủ CRT. Trong khi một màn hình CRT 17-inch truyền thống có mức tiêu thụ điện năng trung bình ước lượng vào khoảng 150-160w thì màn hình LCD 17-inch chỉ tiêu thụ bằng một phần tư, khoảng 35w.
Các mẫu màn hình LCD khác nhau có điện năng tiêu thụ khác nhau, ngay cả khi có cùng kích thước và giá cả. Một cuộc thử nghiệm trên hai mẫu LCD 24-inch khác nhau cho kết quả khá bất ngờ, một mẫu có mức tiêu thụ điện năng 33w, mẫu kia lên tới 110w.
Trước khi chi tiền mua sản phẩm, bạn nên xem kỹ tài liệu kỹ thuật và hết sức chú ý đến mức tiêu thụ điện năng.

9, Trình đơn điều khiển
Bất kể bạn mua mẫu màn hình LCD nào, sẽ thật kỳ lạ nếu suốt quá trình sử dụng bạn không cần thay đổi những thiết lập hiển thị ban đầu. Dù bạn cần tăng độ sáng, thay đổi độ tương phản, hay chỉnh độ bão hòa màu, việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn nếu màn hình cung cấp trình đơn điều khiển thân thiện với người dùng. Một số mẫu LCD chỉ có các biểu tượng khiến người dùng bối rối, ngược lại nhiều mẫu màn hình có giao diện trực quan với trình đơn hiển thị cả biểu tượng và chữ.
Dù bạn có nhu cầu mua một chiếc màn hình cho cá nhân, hay mua số lượng lớn cho công ty, nếu có thể, bạn vẫn nên thử điều chỉnh trước khi mua. Cần phải đảm bảo rằng các tính năng điều khiển trên màn hình thuận tiện cho người dùng, cho phép nhanh chóng thay đổi những thiết lập cơ bản như độ sáng, độ tương phản, màu sắc, hoặc âm lượng (với những mẫu có tích hợp loa).

10, Bảo hành
Giá màn hình LCD vẫn đang trên đà giảm dần. Mặc dù nhà sản xuất luôn nói rằng bóng đèn hình của LCD có tuổi thọ khoảng 60.000 giờ nhưng các kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm khuyến cáo thực tế màn hình thường hỏng hóc sau một vài năm sử dụng.
Hơn nữa, do màn hình LCD khá khó sửa chữa nên các công ty thường thay thế cái mới mỗi khi nó gặp vấn đề. Bởi vậy thay vì phải đầu tư mua màn hình mới sau 1-2 năm sử dụng, bạn nên chọn những mẫu có thời hạn bảo hành hợp lý: 1 năm với những mẫu phổ biến, khoảng 3 năm với những mẫu LCD cao cấp.

  (TechRepublic)
 
 

Sẽ có ích cho bạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lên đầu trang
Xuống cuối trang